Pages

Subscribe:

Giai đoạn“Bốn hiện đại hóa” của Trung Quốc (1976-1978)

     Năm 1976, Trung Quốc chủ trương thực hiện “Bốn hiện đại hóa”: công nghiệp, nông nghiệp, khoa học – kỹ thuật và quốc phòng. Thực tế, chương trình này được đưa ra khá sớm (năm 1964) nhưng tới năm 1977 mới được Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức thông qua tại đại hội lần thứ XI. Mục tiêu của “Bốn hiện đại hóa” thể hiện những tham vọng rất lớn. Trong giai đoạn đầu (1976-1985), phải tiến tới đạt được sản lượng thép 60 triệu tấn/năm, lương thực 400 triệu tấn/năm, Trung Quốc dự định đến năm 2000, sản lượng các loại sản phẩm công nghiệp chủ yếu sẽ xấp xỉ và đuổi kịp các nước tư bản phát triển. Trung Quốc cho rằng trong khoảng thời gian 25 năm, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hàng đầu của thế giới, có công nông nghiệp hiện đại, có quốc phòng và khoa học – kỹ thuật tiên tiến.

Giai đoạn“Bốn hiện đại hóa” của Trung Quốc (1976-1978)

     Thực hiện chủ trương trên, Trung Quốc cố gắng tăng nhanh tích lũy, đẩy mạnh nhập khẩu thiết bị và vay vốn của nước ngoài. Tỷ lệ tích lũy trong thu nhập quốc dân tăng lên tới 36,5%, Trung Quốc tăng cường đầu tư cho xây dựng cơ bản, năm 1978 là 45 tỷ nhân dân tệ, bàng 1,5 lần năm 1977. Nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc chủ yếu tập trung cho những ngành công nghiệp hiện đại.

     Những diễn biến kinh tế ở Trung Quốc từ 1976 đến 1978 phản ánh sự nôn nóng, là quá trình tiếp nối chủ trương “Đại nhảy vọt” trước đây, Do vậy, dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng cho nền kinh tế xét trên phương diện cơ cấu và hiệu quả. Trong thời gian thực hiện “Bốn hiện đại hóa”, tỷ trọng nông nghiệp, công nghiệp trong nền kinh tế có sự thay đồi, Nông nghiệp năm 1957 chiếm tỷ trọng 44%, năm 1978 chỉ còn khoảng 28%; tỷ trọng công nghiệp từ 56% tăng lên 72% trong tổng giá trị sản lượng công nông nghiệp. Tình hình nông nghiệp giảm sút nên trong thời gian từ 1976-1978, hàng năm Trung Quốc phải nhập khẩu một lượng lương thực và thực phẩm chiếm 20% trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu.

      Trong công nghiệp, việc tập trung đầu tư cho công nghiệp nặng đã gây ra mất cân đối nghiêm trọng với công nghiệp nhẹ. Năm 1978, vốn đầu tư cho công nghiệp nặng chiếm 55,7%, trong khi đó công nghiệp nhẹ chỉ có 5,7% trong tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Do vậy, tỷ trọng giữa các ngành công nghiệp cũng có sự thay đổi. Trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp thì công nghiệp nhẹ năm 1957 chiếm 54%, năm 1978 là 43%; tỷ trọng công nghiệp nặng từ 46% tăng lên chiếm 57%. Tình hình phát triển của công nghiệp nhẹ như vậy khiến cho hàng hóa tiêu dùng khan hiếm, đời sống sinh hoạt của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghiệp nặng có sự gia tăng về lượng nhưng chất lượng và hiệu quả thấp.

     Như vậy, chủ trương “Bốn hiện đại hóa” mà Trung Quốc đưa ra không phải là bài toán dễ dàng thực hiện. Trung Quốc đã nhận thức được chính sách nôn nóng không thể đem lại hiệu qủa kinh tế như mong muốn. Thực tế, những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, bố trí cơ cấu đầu tư đã tạo nên sự mất cân đối trong phát triển, đồng thời việc tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp nặng còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân nói chung.

     Từ thực tế này, Trung Quốc đã tiến hành công cuộc cải cách và mở cửa trên cơ sở xem xét và đánh giá lại thực trạng của nền kinh tế.